Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP

Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP

Ngành dệt may của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ cao, tuy nhiên ngành này đang phải đóng thuế nhiều hơn các nước TPP vào Mỹ, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam Lương Hoàng Thái cho biết.

Tại hội nghị “Phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự domới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán” ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thị trường đa biên (Bộ Công Thương), Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết ngày18/12 sẽ hoàn thành văn bản cuối cùng của TPP, hiện đang trong quá trình rà soát câu chữ bằng Tiếng Anh. Các Bộ, Ngành sẽ cố gắng dịch trong thời gian sớm nhất để các cơ quan, doanh nghiệp tham khảo.

Ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết có đến 80% kim ngạch xuất khẩu đang tập trung vào các hiệp định thương mại mà Việt Nam mới đàm phán ký kết. Do đó khi hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi sẽ là cơ hội để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới.

Vấn đề Việt Nam quan tâm nhất sau đàm phán các hiệp định thương mại tự do là câu chuyện mở cửa thị trường hàng hóa. TPP là Hiệp định đầu tiên có quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hóa ở mức cao với phương thức tiếp cận chọn bỏ, buộc doanh nghiệp phải vào cuộc cạnh trạnh thực sự nếu không sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường

Ông Thái cho biết, trong lĩnh vực hàng hoá, quan tâm nhất của Việt Nam là dệt may vì Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu ngành này lớn nhưng dệt may đang vướng nhiều rào cản.

Riêng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đóng góp 1,17 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu/năm, mặt hàng giày dép hơn 300 triệu USD.Thuế phải đóng đã lớn hơn tiền thuế tất cả các nước phải đóng của các nước TPP vào Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu ít nhưng đóng nhiều vì thuế áp dụng lớn nên trong quá trình đàm phán Việt Nam quyết tâm bãi bỏ rào cản và yêu cầu Hoa Kỳ đưa thuế về 0%. Hiện có dòng hàng bị đánh thuế trên 30% và trung bình của dệt may là 17%.

Ông Thái cho biết, đổi lại Hoa Kỳ cũng có những quan ngại. Hoa Kỳ muốn có quy tắc xuất xứ tương đối chặt yêu cầu Việt Nam phải làm được hàng dệt may đạt tiêu chuẩn từ sợi trở đi, chỉ hưởng ưu đãi nếu làm được điều này

Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng Việt Nam khó đáp ứng những quy tắc xuất xứ chặt chẽ, nhưng nếu đề ra quy tắc xuất xứ lỏng hơn thì lợi ích cho Việt Nam thấp do phải lệ thuộc vào một nước khác về nguyên phụ liệu.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đón đầu cơ hội đầu tư vào Việt Nam để có thị trường lớn như Hoa Kỳ. Đây là cái lợi nhìn ngay trước mắt khi Việt Nam tham gia TPP.
Cảnh báo nguy cơ “trượt đích” TPP của dệt may

Theo Hải Minh
Người đồng hành

Top